CHUYỆN LỚP VÕ ĐẶC BIỆT CỦA "NHÀ XE SƠN TÙNG"

Ngày đăng: 15/11/2019

Khoảng 4 tháng qua, những ai có việc vào sân vận động Quy Nhơn vào lúc chiều muộn thường thấy một nhóm võ sinh đứng tuổi, chăm chỉ luyện tập. Ðó chính là lớp võ dành cho lãnh đạo, tài xế và phụ xe Công ty Vận tải Sơn Tùng (chuyên chạy tuyến Quy Nhơn - Ðà Nẵng và Quy Nhơn - Nha Trang).
 


Các võ sinh Công ty Vận tải Sơn Tùng thực hiện đòn tấn công bằng tay



Đường piste sân vận động Quy Nhơn lúc chiều muộn một ngày giữa tháng Tư chỉ còn một nhóm nhỏ VĐV điền kinh tập luyện. Trên đường chạy, các “võ sinh Sơn Tùng” dồn nỗ lực lên guồng chân, bởi HLV Lê Ngọc Trai lăm lăm chiếc đồng hồ bấm giờ, mỗi khi nhóm “học trò” chạy qua đều được báo thời gian để tự canh chỉnh độ nhanh, chậm theo đúng quy định.

Cho các võ sinh giải lao sau khi chạy 6 vòng sân, HLV Lê Ngọc Trai cho biết: “Muốn thực hiện các động tác đạt hiệu quả cao thì phải có thể lực, do đó, bên cạnh việc huấn luyện về chuyên môn, chúng tôi vẫn thường xuyên cho võ sinh rèn thể lực bằng nhiều cách khác nhau. Đến nay hầu hết các học viên một mặt đã thuần thục những động tác cơ bản, đòn thế tự vệ, mặt khác thể lực của họ cũng được nâng lên đáng kể”.

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Vận tải Sơn Tùng, cho biết cơ duyên đến với võ thuật: “Tôi thích võ cổ truyền từ lâu, nhưng chưa có dịp theo tập. Mãi đến gần đây, khi công việc kinh doanh tạm đi vào ổn định, được sự động viên của võ sư Bùi Trung Hiếu (Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - NV), tôi bắt đầu tham gia vào các buổi chiều. Thời gian đầu khá vất vả, bởi chưa quen với vận động cường độ cao, chỉ tập một lúc là mệt bở hơi tai, về nhà căng cơ, đau nhức. Nhưng khi vượt qua được giai đoạn đó, tôi thấy sức khỏe mình được nâng lên rõ rệt, ngày càng mê tập, lỡ vì công việc mà bỏ mất một buổi, tiếc lắm”.

Nhưng lý do chính mà ông Tùng đến với võ thuật không chỉ là để tự bảo vệ bản thân, gia đình mà còn muốn nhân viên mình tự tin, phản xạ nhạy bén, bảo vệ hành khách khi cần thiết. Với nghề vận tải, hàng ngày phải di chuyển hàng trăm cây số, việc gặp phải những bất trắc trên đường không phải hiếm. Do đó, ông vận động nhân viên, tài xế, phụ xe cùng tập để có sức khỏe và có “ít miếng phòng thân”. Đến nay đã có hơn 10 người thường xuyên tham gia, một số người khi thấy hiệu quả của các bài tập đã rủ thêm con, cháu mình đến cùng tập.

“Cách đây chưa lâu, tôi bị trộm đột nhập phòng ngủ lấy một số tài sản. Thôi thì của đi thay người, nhưng qua đó tôi chợt nghĩ, nếu chẳng may trong lúc kẻ trộm khua khoắng mình tỉnh giấc, không biết có giữ được tính mạng cho mọi người trong nhà hay không, bởi khi dồn vào đường cùng bọn chúng có thể manh động và liều lĩnh. Sau 4 tháng tập luyện, tôi đã tự tin hơn!” - ông Tùng chia sẻ.

Võ sư Bùi Trung Hiếu cho biết: “Chúng ta đang làm cùng lúc rất nhiều việc để đưa võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản phi vật thể của nhân loại. Theo tôi, một trong những cách hiệu quả để bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc chính là truyền đạt lại cho nhiều thế hệ, đối tượng. Đó là cách lưu giữ hiệu quả, bởi nếu chỉ dùng sách vở, băng đĩa, hình ảnh thì cũng rất dễ mai một. Cũng vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung truyền dạy võ đến các đối tượng học sinh, sắp đến là lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân. Việc lãnh đạo Công ty Vận tải Sơn Tùng đề xuất tập võ cho nhân viên đơn vị là điều rất thú vị, cá nhân tôi rất hoan nghênh và mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp làm điều tương tự, để võ cổ truyền được bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi bằng những con người hết sức bình dị, mộc mạc”.


Tổng đài hỗ trợ

1900969671